[Thế giới-Lao Động] - Vụ máy bay Malaysia mất tích: Bí mật sẽ mãi mãi bao trùm chuyến bay MH370?

Dù dò tìm được hai "hộp đen" của chiếc Boeing MH370 của Malaysia Airlines chìm sâu dưới đáy Ấn Độ Dương, giới chuyên gia không hy vọng có một ngày nào đó sẽ vén được màn bí mật bao trùm chuyến bay định mệnh MH370, bị mất tích vào rạng sáng 8.3.


Allison Norris - thuyền trưởng tàu tuần dương HMAS của Hải quân Australia quan sát kỹ sau khi đến khu vực tìm kiếm chiếc máy bay MH370. Ảnh: Telegraph

Nhiệm vụ gần như bất khả thi

Nhiệm vụ gần như bất khả thi là tìm chiếc hộp đen trong một vùng biển bao la rộng 2.500 km2 cách thành phố Perth, bờ tây của Australia 2.500 km. Ngay công cuộc tìm vớt mảnh vụn của chiếc Boeing mất tích trong khu vực sát Nam cực cũng không phải dễ dàng: Vùng vĩ tuyến từ 40 đến 50 được giới hàng hải đặt tên là "tiếng gầm của sư tử" không phải là không có lý do. Theo nhà hải dương học Australia Erik van Sebille, những thủy thủ kinh nghiệm nhất cũng không muốn đi ngang "sa mạc đại dương" này chỉ có gió mạnh, sóng to, băng sơn và ánh sáng mờ mờ.

Với lực lượng máy bay, tàu thủy hùng hậu của hơn 20 quốc gia tham gia tìm kiếm, chắc chắn một số mảnh vụn mà vệ tinh quan sát thấy sẽ được vớt lên. Nhưng còn hai hộp đen chìm sâu dước đáy biển? Tìm được vị trí đúng là còn khó hơn mò kim đáy biển vì ở khu vực này, đáy biển có địa hình trắc trở, sâu từ 5- 6.000m với nhiều núi lửa cao đến 3.000m.

Mỹ đã đưa vào vùng một máy thăm dò truy tìm nặng 35 kg, do một tàu thủy kéo bằng dây cáp. Chiếc máy này có khả năng phát hiện được tín hiệu của hộp đen chìm 6.000m dưới đáy biển. Nhưng chiếc hộp đen chỉ có khả năng gửi tín hiệu xa 2 km và chỉ đủ năng lượng phát đi trong một tháng, trong khi máy bay đã mất tích gần ba tuần nay.

Trong trường hợp trước đây, vào năm 2009, chiếc Airbus AF447 của hãng hàng không Pháp AirFrance bị rơi ở Đại Tây Dương, phải mất 23 tháng mới vớt được xác máy bay và chỉ tìm được một trong hai hộp đen, nhưng lại bị hỏng.

Nhưng dù có tìm thấy thì hai hộp đen của chuyến bay MH370 cũng không thể trả lời được những câu hỏi then chốt: Tại sao máy bay đột ngột chuyển hướng thay vì đến Bắc Kinh? Tại sao các hệ thống liên lạc vô tuyến bị cắt đứt. Vì sao máy bay tiếp tục bay thêm 6, 7 giờ nữa để rồi rơi xuống Ấn Độ dương và vì sao lại chọn Ấn Độ Dương? Nhất là tại sao quân đội Malaysia, qua radar thấy máy bay đổi hướng, nhưng lại cho là máy bay rơi ở biển Đông và phải chờ đến khi Mỹ nhập cuộc, mới nhìn nhận sự thật này sau ba ngày tìm kiếm vô vọng trên biển Đông?

Bộ phát đáp bị cắt đứt bởi bàn tay chuyên nghiệp

Đêm mùng 7 rạng ngày 8.3, từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur, chuyến bay MH370 với 239 hành khách và phi hành đoàn rời sân băng vào lúc 0 giờ 41 phút, bay ngang lãnh thổ Malaysia về hướng biển Đông và theo dự kiến sẽ đáp xuống sân bay Bắc Kinh vào lúc 6 giờ 30 sáng. Thời tiết tốt, điều kiện phi hành lý tưởng.

Phi công chính, Zahari Ahmad Shah, 53 tuổi, ly thân, có ba con có kinh nghiệm 18.365 giờ bay, biết rõ Boeing 777. Trong căn nhà sang trọng ở ngoại ô Kuala Lumpur, Zahari Ahmad Shah trang bị một chiếc máy luyện bay, đối phó với mọi tình huống, mà có lẽ ít phi công chuyên nghiệp nào bỏ tiền ra để trang bị cho mình tại nhà riêng

.Phi công phụ Fariq Abdul Hamid, chỉ mới 27 tuổi, nhưng là một phi công giỏi, tốt nghiệp hạng cao tại Mỹ, nghiêm túc, được cấp trên chấm điểm tốt và được lòng đồng nghiệp.

25 phút sau khi cất cánh, MH370 bay đến bờ biển Kota Brahu, xoay nhẹ về hướng tây bắc, chuẩn bị vào biển Đông Nam Á. Lúc 1 giờ 07 phút, qua hệ thống truyền đạt vị trí Acars, nối liền các máy điện toán của phòng lái đến các máy điện toán của công ty Malaysia Airlines và tập đoàn chế tạo động cơ Rolls-Roys.

Nhưng một phút sau đó, đúng 1 giờ 08 phút, chuyện bất thường đầu tiên đã xảy ra: Hệ thống liên lạc Acars bị cắt đứt. Vài phút sau đó, đài kiểm soát không lưu thông báo với phi công MH370 là sắp chuyển nhiệm vụ cho đồng nghiệp Việt Nam ở sân bay Tân Sơn Nhất, vì MH370 sắp vào không phận của Việt Nam. Câu trả lời của phi công phụ Fariq Abdul Hamid là "All right, good night". Sau lời chúc "ngủ ngon" này, mọi liên lạc giữa chuyến bay đêm và phần còn lại của thế giới hoàn toàn bị gián đoạn.

Vào lúc 1 giờ 22, trên lý thuyết thì MH370 bay ngang đài radar Igari Point, trên biển Đông Nam Á, nhưng các nhân viên kiểm soát không lưu của Việt Nam không thấy dấu vết của máy bay trên màn ảnh radar. Ngược lại, kiểm soát viên Việt Nam phát hiện hệ thống transpondeur - bộ phát đáp có chức năng báo cáo tọa độ của máy bay và độ cao, không hoạt động từ lúc 1 giờ 21 phút. Vấn đề là hệ thống transpondeur chỉ bị cắt đứt là do cố ý và chỉ có một bàn tay chuyên nghiệp mới biết cách.

Gần như cùng lúc đó, chậm hơn đôi chút, một đài radar của quân đội Malaysia ghi được một tín hiệu có máy bay lạ xâm nhập không phận vào thời điểm mà lẽ ra không có máy bay dân dụng nào bay ngang. Bốn quân nhân Malaysia có nhiệm vụ báo động không hiểu vì lý do gì không báo cáo lên cấp trên. Lúc đó là 1 giờ 38 phút - thời điểm chiếc máy bay "mất tích" trên màn ảnh radar kiểm soát không lưu.

Nếu quân đội Malaysia tuân thủ đúng nguyên tắc đưa chiến đấu cơ cất cánh và chặn bắt "máy bay lạ" thì có lẽ MH370 không thể bay về Ấn Độ Dương cho đến hết nhiên liệu.

(Còn tiếp: Phần 2 - Những khám phá làm toát mồ hôi lạnh)

Theo RFI