[Xã hội-QĐND] - Tình dân phố

QĐND - Thượng tá Nguyễn Đăng Cầm, cán bộ Tổng cục Hậu cần, quê ở Hà Tĩnh, trú quán Khu tập thể Trung tâm Huấn luyện (Tổng cục Hậu cần), thuộc Khu phố Đường 2, Phủ Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), không may mắc bệnh hiểm nghèo, nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hơn nửa năm trời, vừa qua đời. Sau lễ viếng, truy điệu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (TP Hà Nội), đơn vị và gia đình đưa ông về an táng tại Nghĩa trang Bãi Đỏ của Khu phố Đường 2.

Nghĩa trang Bãi Đỏ vốn trũng lại mưa suốt hai tuần đã trở nên lầy lội. Nhưng vào lễ an táng ông Cầm thì nó đã được tôn cao bằng cát từ hôm trước. Do đó, những người đi lại, khiêng chuyển cữu, đồ tang lễ không còn chịu cảnh lụt lội... Người quá cố được "mồ yên mả đẹp".

Thấy mọi người trầm trồ ca ngợi, bày tỏ xúc động về việc tổ chức đám tang, ông Trần Văn Sinh, công nhân Nhà ga Hàng không Nội Bài, cùng ở khu tập thể với ông Cầm và những người hàng xóm thân mật thổ lộ: “Anh cả của khu (danh hiệu bà con trong khu tập thể đặt cho ông Cầm, do ông lớn tuổi nhất trong ban liên lạc khu) sống gương mẫu, trách nhiệm và tình cảm lắm. Ngay từ khi anh lâm bệnh, dưới sự điều hành của ông Phạm Tiến Chinh (Trưởng ban liên lạc), cả khu đã có chương trình riêng dành cho anh. Từ việc thăm nom anh ở bệnh viện, đến giúp đỡ hai cháu để chị Minh yên tâm chăm sóc chồng... Suốt 7-8 tháng trời có người đảm nhiệm đâu vào đấy. Gần Tết Giáp Ngọ, 100% các gia đình khu tập thể có người đi thăm anh. Thấy anh đã yếu quá nên quyết định năm nay không tổ chức ăn cỗ tất niên tập trung.

Hôm trước khi anh đi xa 3 ngày, cả khu lại đến bệnh viện thăm anh. Trở về, biết anh không còn được lâu, ban liên lạc khu tổ chức các cuộc họp bàn lo hậu sự cho anh. Những việc lớn như: Liên hệ với chính quyền địa phương, lo nơi đặt mộ, hợp đồng với Trung tâm Huấn luyện để làm công tác dẫn tang, liên hệ với ban chỉ huy công trường xây dựng cầu đường (bên cạnh nghĩa trang) nhờ hỗ trợ cát chống lầy, giữ mối liên hệ với Ban tổ chức lễ viếng ở Hà Nội, với gia đình ở Hà Tĩnh ra do các thành viên ban liên lạc đảm trách. Mọi việc hậu cần, từ đồ lễ tạ thần linh, thành hoàng, thổ công, cơm cúng anh, cơm nước cho gia đình do các bà, các cô đảm nhiệm. Việc mồ mả của anh, nam giới lo...

Ngẫm sự việc, càng thấm câu: “Qua cơn hoạn nạn thêm hiểu lòng nhau”, thấy thêm những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

PHẠM XƯỞNG